"Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu"
Hai câu trên trong chương hư dụng - đạo đức kinh của Lão Tử. Nó đã từng xuất hiện nhan nhản trong chữ ký forum, status fb, twiter của rất nhiều người trẻ nhờ vào tiểu thuyết Tru Tiên của Tiêu Đỉnh, khi tác giả trích dẫn câu này ở phần mở đầu tác phẩm của mình (mặc dù chả liên quan đến phần còn lại cho lắm). Nghĩa của nó cũng dễ hiểu: trời đấy không có lòng người, coi mọi vật chư loài chó rơm (một vật để cúng tế như ngày nay ta đốt hàng mã). Cụ thể hơn vì tự nhiên không có suy nghĩ, nhận thức, ý chí của con người nên với vạn vật vô tình, mặc kệ, nay sinh, mai diện, nay tồn, mai tận. Đây là điều tất nhiên với nhận thức hiện nay của loài người, không có gì lạ lẫm cả. Nhưng cần phải hiểu, vào thời của Lão Tử, khi hiểu biết của con người về tự nhiên còn hạn chế, khi mỗi góc suối, gốc cây, ngọn cỏ đều là một vị thần, ma nào đấy và tất cả mọi thứ đều đặt dưới ý chí tối cao của "trời". Câu hỏi cần đặt ra là, vậy ông trời ấy như thế nào? Um, đơn giản thôi, hệt như một con người cụ thể vậy, mang tâm tư, tình cảm, quan niệm phổ biến của những con người ở xã hội tôn thờ ông ta hay thật ra là sáng tạo ra ông ta, thường là thương ái với cái thiện, trừng phạt thẳng tay với cái ác... Thì Lão Tử đã đi trước thời đại khi khẳng định trời không phải một người, không mang lòng nhân của con người, vạn vật trong tự nhiên không sinh tồn một cách nghiệt ngã, tự nó và không được cái gì phù hộ cho cả. Nhìn chung không phải suy nghĩ nhiều về hai câu này. Nhưng ít ai biết đến hai câu sau mới thật gây ra nhiều tranh cãi:
"Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu"
Tại sao bậc thánh mà lại coi rẻ nhân dân như loài chó rơm? Không phải vậy, cắt nghĩa câu này Wieger (một nhà đông phương học nổi tiếng - Leon Wieger) cho bách tính là trăm quan: quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì trừ đi, vì vua chúa chỉ nên “yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân” cũng như trời đất sinh ra vạn vật chỉ cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm đến cái lợi riêng của một vật nào. Quan điểm của Wieger không phải là không có lý, thời cổ, “bách tính” không được hiểu như người dân bây giờ, người trong thiên hạ được chia thành lê dân và bách tính. Bách tính là bọn sống trong thành, có họ, có tên, có địa vị, nôm na là giai cấp thống trị, là quan lại, quý tộc… Lê dân tức là dân đen sống ngoài thành không có họ, chỉ có tên, là giai cấp bị trị, nông dân, nô lệ…
Nhưng hiểu hai câu trên như Wieger, tôi không cho là đúng. Thứ nhất, vào cuối thời xuân thu, thời mà Lão Tử sống, sự phân biệt lê dân – bách tính đã nhạt nhòa, người trong thiên hạ đều đã có họ cả, trừ những nơi man di chưa được giáo hóa, bách tính ở đây là chỉ con người nói chung. Thứ hai đối chiếu với câu trên, có thể nói bậc thánh nhân xử sự với con người như trời đối với vạn vật vậy.
Có vẻ hơi bất hợp lý, nhưng xuyên suốt tác phẩm đạo đức kinh là tư tưởng vô vi của Lão Tử. Bậc thánh nhân của Lão Tử không giống như thánh nhân nhân từ của Khổng Tử mà ta đã quen thuộc. Thánh nhân ở đây là người đã hiểu được cái đạo của trời đất, đã thấu triệt sự sinh - diệt, lẽ hợp – ly, các quy luật tất yếu của tự nhiên, con người, thánh nhân lúc này cư xử với con người cũng như tự nhiên với vạn vật. Đơn cử, nếu đã nhìn thấu cái chết, chả nhẽ còn sợ cái chết ? Tất nhiên không chỉ cái chết của bản thân, mà còn của mọi người nữa. Đã như vậy thấy mọi niềm hạnh phúc, khổ đau, sung sướng, bất hạnh của người đời liệu còn vui vẻ hay thương cảm cho họ. Tuy vậy, cần phải hiểu sự coi mọi người của thánh nhân không phải là khinh rẻ người khác chỉ như chó rơm, mà là thấy họ, mọi thứ của họ, nhân cách, đời sống, nỗi buồn, niềm vui chỉ là điều tất nhiên như mưa rơi, suối chảy, lửa cháy, nắng chiếu… mà thôi.
No comments:
Post a Comment